Nguồn gốc Điểu_thương_thủ

Minh họa súng hỏa mai (điểu thương) trong sách "Kỹ thuật của người An Nam". Chú thích chữ Nôm: "Pháo thủ".

Mặc dù phát minh ra thuốc súng từ rất sớm, mãi đến thế kỷ XIV, người Trung Quốc mới bắt đầu chế tạo súng điểu thương như là một loại hỏa lực cá nhân và trang bị chúng cho một số đơn vị nhỏ. Súng chỉ đơn giản gồm một nòng nhẵn làm một ống kim loại một đầu bịt chặt, kết hợp với một bệ cầm súng bằng gỗ. Thuốc súng và đạn được nạp qua miệng; thuốc súng được đốt qua một lỗ nhỏ (lỗ đốt) khoét ở bên cạnh; cơ cấu điểm hỏa bằng dây cháy chậm hoặc đá lửa.

Điểu thương thủ của nhà Minh, hình vẽ minh họa trong 1 tác phẩm của tướng Tiêu Ngọc thế kỷ 14.

Các đơn vị điểu thương thủ đầu tiên xuất hiện vào thời nhà Minh (1368 - 1644)[1] và sau đó là nhà Thanh (1644 - 1911). Những người lính điểu thương này được phiên chế trong một đơn vị gọi là Thần cơ doanh. Tuy nhiên, học thuyết quân sự Trung Quốc truyền thống thường ít xem trọng các đơn vị Thần cơ doanh, vì vậy lính điểu thương hiếm khi giữ vai trò quan trọng trong các chiến dịch quân sự.

Trong quyển Thần Khí Phổ của Triệu Sĩ Trinh viết năm 1598 có mô tả các đơn vị bộ binh của Ottoman dùng súng hỏa mai làm vũ khí, cũng như các mô tả về tư thế ngồi bắn (kneeling shot) của người Ottoman và Trung Quốc, đánh dấu sự xuất hiện của lính điểu thương tại châu Âu. Tuy nhiên, mãi sau một thời gian dài, ở châu Âu mới có các mô tả về súng hỏa mai.

Tại Ấn Độ, pháo thủ trở thành một phần của quân đội Ấn Độ từ sau khi họ sản xuất được súng hỏa mai vào năm 1519. Lính pháo thủ là một bộ phận quan trọng trong phòng thủ để chống lại lực lượng Chiến Tượng phổ biến thời bấy giờ. Người Ấn luôn xếp pháo thủ vào đội hình dự bị cho bộ binh, kỵ binh và tượng binh của họ.

Hình vẽ "Lính pháo thủ" trong sách "Kỹ thuật của người An Nam".